Bài 4: Trẻ không chịu học đàn phải làm thế nào?

Đứng trước vấn đề tập đàn, trẻ nhỏ có thể có một số phản ứng như sau:

Kiểu tích cực: Tự mình có thể sắp xếp thời gian luyện tập, rất ít khi bỏ dỡ, cha mẹ chỉ cần thỉnh thoảng nhắc nhở.

Kiểu ngoan ngoãn: Làm theo thời gian do cha mẹ sắp xếp, đến giờ là tự động đi tập, cha mẹ chỉ cần thỉnh thoảng nhắn nhở.

Kiểu ngẫu hứng: Có lúc thì tự luyện, có lúc thì cần người lớn nhắc nhở, nhưng đa phần là cần người nhắc nhở.

Kiểu bị động: Không bảo là không luyện, không có cha mẹ nhắc nhở là trẻ sẽ không nghĩ đến việc tập đàn.

Kiểu khổ sở: Bảo rồi vẫn không luyện, cha mẹ phải giụp giã liên tục thì trẻ mới  chịu ngồi tập, và tâm hồn thì trên mây.

Đối với trẻ thuộc 2 kiểu đầu tiên, cha mẹ có thể yên tâm để xử lí việc học đàn, còn 3 kiểu còn lại thì cần bỏ công sức ra nói chuyện với trẻ, hoặc xây dựng một chế độ thưởng phạt thích hợp. Tôi xin đưa ra một vài kiến nghị để các bạn tham khảo.

 

Cùng đối mặt với thời kì chán nản

Trẻ học đàn cũng có thời kì hứng thú, thời kì bình tâm, thời kì chán nản. Không ai nói trước được thời gian kéo dài bao lâu. Hãy quan sát xem con bạn đang ở thời kì nào, nếu là thời kì hứng thú, thì cứ kê cao gối mà ngủ; nếu bắt đầu đi xuống, thậm chí là xuống hẳn thời kì chán nản, thì bạn cần phải coi trọng hơn.

Tất nhiên mức độ nặng nhẹ của thời kì chán nản này sẽ khác nhau tùy thuộc vào những kiểu tính cách khác nhau như trên đã nói. Lúc này cha mẹ đừng nên ép trẻ phải luyện tập thường xuyên, cũng có thể thương lượng với giáo viên để giảm nhẹ bài tập cho trẻ.

Đối với trẻ nào thật sự không còn hứng thú, hãy tạm ngưng luyện tập một thời gian, để cho trẻ quên đi những chuyện không vui khi học đàn, 3 tháng, nữa năm, thậm chí một năm sau lại học, mới không gây căng thẳng giữa phụ huynh và trẻ nhỏ.

Có phần thưởng

Đối với trẻ cần phải nhắc liên tục mới chịu luyện đàn (trước khi hình thành thói quen luyện đàn độc lập), nên cần có chút phần thưởng cho trẻ: Chuẩn bị một cuốn lịch bàn coi như lịch cá nhân của trẻ. Bạn hãy định trước: Mỗi lần trẻ tập xong đàn sẽ được mẹ kí tên vào quển lịch ( hoặc dán giấy các hình mà bé thích…), nếu kí đủ 20 lần, 30 lần ( tùy tình hình mà định mức ), thì có thể được một thứ gì đó,(bình thường tốt nhất đừng quá dễ dãi mua đồ cho trẻ, tránh cho trẻ hình thành tính không biết tiếc đồ), nếu quà là thứ mà trẻ rất muốn có, thì hiệu quả càng cao.

Con gái Thiên Ân của tôi từng có kỉ lục 1 ngày được kí 5 lần, vì chuyện như thế này: Tôi có tình cờ trò chuyện với cô Hiệu trường trường mầm Phú Mỹ nơi cháu theo học mẫu giáo, qua trò chuyện cô biết bé Thiên Ân biết đàn Piano các bài hat thiếu nhi, nên cô bảo tôi đăng kí cho cháu biểu diễn 1 bài trong ngày tổng kết năm học 2019, cũng là mừng lễ tốt nghiệp mầm non của con. Thế là tôi nhận lời, và khích lệ bé luyện tập cho tốt các bài mà bé thích. Đến khi cách ngày tổng kết năm học 20 ngày, thì cô chủ nhiệm lớp Thiên Ân nói là cô Hiệu trưởng thích bé đánh đàn bài “ thương lắm thầy cô ơi”, tôi nhận thấy thời gian để con có thể tập thành thạo bài hát này con hơi ít. Thế là tôi hát cho con nghe nhiều lần bài hát đó, đàn cho con nghe, rồi tôi vừa đàn vừa hát , tôi cho con xem các bé khác hát trên internet, điều này làm con nhanh chóng yêu thích và thuộc bài hát này.

Tôi nói với con, cô Hiệu Trưởng rất yêu con, cô muốn con đàn bài hát để tặng cô, cùng các cô giáo trong trường và cả các bạn nữa, nếu con đàn mọi người sẽ rất vui và yếu mến con luôn, kể cả các bạn lâu nay chưa chơi với con thì cũng sẽ thích chơi với con. Thế là con thích thú, siêng năng tập luyện, thế nhưng con bảo “bài này dài và khó, con không thuộc kịp đâu!”, tôi vẫn nhắc lại mong muốn của các cô và bạn của con muốn nghe con đàn, đồng thời đặt điều kiệt trao đổi : “Nếu được 60 lần dán “tícker”, sẽ được một chiếc cặp 3 ngăn màu hồng  rất đẹp mà con yêu thích để vào năm học mới, vào lớp 1 con có cặp mới đi học.”

Thế là tôi bật cho con xem chiếc cặp trên mạng, con rất thích, và để mau chóng có chiếc cặp và biểu diễn tại trường, con đã luyện tập rất chăm chỉ, vui vẻ, và thế là chỉ chưa đầy 20 ngày con đã có thể đàn thành thạo và biểu diễn tự tin thành công  bài hát “ thương lắm thầy cô ơi” tại buổi lễ tổng kết năm học và lễ tốt nghiệp mần non của con. Con đã có phần thưởng như mong muốn, được rất nhiều thầy cô yêu quý. Điều làm con vui nhất và khoe với Ba mẹ là; “các bạn ở lớp con, giờ ai cũng muốn chơi với con!”. Nhìn con vui vẻ, vợ chồng tôi cũng vui thật nhiều!

Nếu 30 lần, 60 lần đánh dấu hay dán sticker là thời gian quá dài với trẻ, vậy thì cha mẹ có thể thêm những phần thưởng ngắn hạn hơn: 1 lần đánh dấu hoặc dán sticker thì được 1 que kem, một cái bánh…10, 15 lần đánh dấu thì có thể được đi công viên, siêu thị hoặc nơi nào bé thích mà mình thấy phù hợp.

Tóm lại: Hãy suy nghĩ dùng phương pháp thích hợp với con, để con cảm thấy hứng thú, dần dần xây dựng thói quen tự tập đàn một mình.